Đang gửi...

Cái bẫy của sự thành công

05/06/2019

Chắc chắn, tác giả Gene Hammett cũng là một trong những doanh nhân thành công được ông nhắc đến trong chính tác phẩm của mình. Ông đã phải đối mặt với thời điểm thảm khốc trong sự nghiệp, một bước ngoặt lớn khiến cuộc sống bước sang một trang mới, đào sâu tìm kiếm tiềm năng và sự can đảm của bản thân. Gene Hammett hiện không chỉ là doanh nhân mà còn là cố vấn chiến lược kinh doanh cho nhiều lãnh đạo cao cấp và diễn giả tâm huyết.

Gene Hammett đã dành 9 năm xây dựng doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực thể thao du lịch thành công với mức doanh thu hàng năm lên tới 5 triệu USD. Tuy nhiên, vào thời điểm đỉnh cao sự nghiệp đó, ông vẫn cảm thấy bản thân không còn niềm vui với công việc: "Tôi đã có những thành công để tự do về tài chính và thời gian, nhưng tôi không cảm thấy hài lòng về bản thân mình. Tuy vậy, tôi vẫn tiếp tục đi theo con đường đó chủ yếu bởi vì tôi không muốn buông bỏ những gì tôi đã tạo ra để đi theo những gì tôi thực sự mong muốn", ông Hammett chia sẻ ông bị mắc kẹt trong vùng an toàn của bản thân, không còn đam mê với công việc.

"Khi công việc kinh doanh của tôi phát triển, tôi kiếm được nhiều tiền hơn nhưng nó chỉ làm tôi hài lòng ở một mức độ nhất định. Đó là nguyên nhân khiến tôi luôn đưa ra những bước đi an toàn, kinh doanh mọi thứ theo cách an toàn chứ không liều lĩnh để giành chiến thắng". Và chính sự an toàn đó khiến Gene Hemmett hờ hững với công việc của mình.

Gene Hammett

Tuy nhiên, biến cố đã xảy ra theo như lời Gene Hemmett nói rằng đó là khoảng thời gian thảm khốc nhất trong sự nghiệp của ông. Những bản hợp đồng kinh doanh với đối tác không như mong muốn và ngày một tồi tệ, Hammett không chỉ mất đi kinh doanh, thu nhập mà còn mất toàn bộ số tiền tiết kiệm, căn nhà để vực dậy. Quãng thời gian khó khăn đó khiến Hammett nhận ra rằng khi có chút thành công ông đã đánh mất đi đam mê, mục đích làm việc. Ông chỉ kiếm tiền mà không hề biết mục đích bản thân mong muốn. Ông đã rơi vào cái bẫy của sự thành công và cần phải vượt qua những hạn chế để thoát khỏi cái bẫy này.

"Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về giá trị của bản thân, tôi có thể làm gì điều gì có ích cho thế giới này? Tôi bắt đầu suy nghĩ về mục đích tiếp cận kinh doanh khoảng 15 năm trước khi tôi khởi nghiệp, năm 2002. Và tôi muốn trở về khoảng thời gian đó, tôi có nhiệt huyết, đam mê và nghiêm túc thật sự. Đó là chất xúc tác tuyệt vời cho sự nghiệp phát triển của tôi, giúp tôi nhìn thấy những điều nhiều người không thể nhìn thấy".

Đó là lý do vì sao sau khi vực lại sự nghiệp, Gene Hammett muốn chia sẻ kinh nghiệp và những bài học của mình, cùng những doanh nhân thành công khác cũng từng trải qua biến cố như ông trong tác phẩm "Cái bẫy của sự thành công". Tác giả Hammett cũng tin rằng, phần đông doanh nhân chỉ tập trung vào sự phát triển và thành công dựa trên kinh nghiệm. Có nghĩa là họ sẽ phải nhìn vào hành động bản thân đang thực hiện, kết quả có thể tạo ra. Tập trung vào công việc một cách trọn vẹn, cháy hết mình vì công việc mới là ý nghĩa thật sự của thành công.

Cuốn sách của tác giả Gene Hammett cảnh báo các doanh nhân về cái bẫy mà họ có thể gặp phải trong sự nghiệp.

"Nếu bạn đang theo đuổi công việc gì đó bằng cả trái tim và linh hồn, bạn sẽ tạo ra những tác động cho sự phát triển chung của toàn thế giới, sự đóng góp này sẽ càng nâng cao tinh thần làm việc của bạn và thu hút mọi người ủng hộ sự nghiệp của bạn từ đồng nghiệp, đối tác hay khách hàng. Khi đó, thành công sẽ đến theo cách tự nhiên, không quan trọng thành công nhỏ hay lớn mà bạn chỉ cần tiến về phía trước và nỗ lực", Gene Hammett nói.

Giống như Hammet, mặc dù đã có rất nhiều tiền với công việc kinh doanh nhưng ông vẫn quyết định đi theo con đường mới, trở thành nhà viết sách cố vấn kinh doanh và tuyền cảm hứng cho các doanh nhân. "Tôi muốn làm công việc này cho đến khi tôi trút hơi thở cuối cùng. Tôi sẽ không nghỉ hưu bởi vì với tôi viết sách không phải là một công việc mà là niềm vui, đam mê và tôi nghĩ nếu các bạn coi công việc đang làm cũng như vậy thì sẽ không bao giờ cảm thấy áp lực, mệt mỏi".

Hammett cũng đưa ra lời khuyên cho các doanh nhân – kể cả những người muốn khởi nghiệp hay ở trên đỉnh cao của sự nghiệp cần phải nhận thức được nguy cơ trì trệ. Nhiều chủ doanh nghiệp ở trên đỉnh cao thành công sẽ có cảm giác này, giống như ông trước đây để rồi đánh mất cả công ty triệu đô. "Các doanh nghiệp lớn cũng có thể sụp đổ nếu người làm chủ không nhìn nhận được vấn đề trì trệ của bản thân. Bạn phải liên tục phát triển, trưởng thành và học hỏi".